VAY24HNHANH.COM Ngoài nợ xấu, thường xuyên chậm thanh toán các hóa đơn điện nước, thay đổi công việc có thể khiến cá nhân khó giao dịch tín dụng trong tương lai.
Có kế hoạch mở cửa hàng kinh doanh quần áo, ngoài số vốn tự có anh Nguyễn Minh Khang (quận 7, TP HCM) tìm đến một ngân hàng để vay tiêu dùng song bị áp mức lãi suất cao hơn thông thường.
Theo giải thích của nhân viên tư vấn, lịch sử tín dụng cá nhân của anh bị đánh giá ở mức không tốt vì cách đấy 2 năm, anh nhiều lần nợ quá hạn các khoản vay thẻ tín dụng và sử dụng thẻ tín dụng để rút tiền mặt.
Để có được khoản vay, anh Khang chấp nhận để ngân hàng áp mức lãi suất cao hơn so với các khách hàng có cùng điều kiện nhưng có lịch sử giao dịch tốt hơn.
"Tôi không nghĩ mỗi giao dịch tài chính của mình đều được ghi nhận và đánh giá thành điểm tín dụng cá nhân. Nếu biết, chắc chắn tôi sẽ thận trọng hơn với các hoạt động tài chính của mình", anh Khang chia sẻ trong lúc chờ hoàn thành thủ tục vay.
Những cá nhân có lịch sử tín dụng cá nhân không tốt khó tiếp cận dòng vốn rẻ. |
Thực tế, không riêng anh Khang mà rất nhiều người lần đầu biết đến "điểm tín dụng cá nhân" khi có vấn đề phát sinh trong các giao dịch ngân hàng như: không được xét duyệt vay vốn, phải vay với lãi suất cao, không được cấp học bổng du học hay bị từ chối khi xin việc...
Điểm đáng chú ý, không chỉ các thông tin liên quan trực tiếp đến giao dịch tài chính mới nằm trong phạm vi được thu thập mà ngay cả diễn biến thanh toán các hóa đơn điện nước, điện thoại, thay đổi công việc thường xuyên trong thời gian ngắn, tỷ lệ vay nợ trên tổng tài sản... cũng được thu thập, đánh giá thành điểm tín dụng cá nhân của từng người.
Tại Việt Nam, các thông tin về tài chính và các dữ liệu thay thế như quá trình thanh toán các hóa đơn điện, nước, gas, điện thoại,... mỗi cá nhân được thu thập và xếp hạng tín dụng bởi Trung tâm Thông tin Tín dụng (CIC) thuộc Ngân hàng Nhà nước.
Lãnh đạo CIC cho hay, trung tâm hiện sở hữu kho dữ liệu về tài chính cá nhân của hơn 36,8 triệu khách hàng. Các dữ liệu này sẽ được cập nhật liên tục trong vòng 3 ngày sau khi có phát sinh mới và được lưu trữ trong vòng 5 năm.
Điều này có nghĩa là, nếu để phát sinh một khoản nợ xấu thì phải sau 5 năm, khách hàng mới có thể xóa được "vết đen" tín dụng đó.
Sáu tháng năm 2018, CIC đã cung cấp trên 15,7 triệu báo cáo tín dụng các loại, làm căn cứ quyết định cho vay đối với các tổ chức tài chính trên cả nước.
Mọi tình hình thanh toán hóa đơn của cá nhân qua kênh ngân hàng đều được Trung tâm Thông tin Tín dụng (CIC) thuộc Ngân hàng Nhà nước thu thập và lưu giữ. |
Đối với các đơn vị cho vay như ngân hàng, công ty tài chính nói riêng, điểm tín dụng cá nhân của là căn cứ quan trọng nhất để đánh giá toàn diện tình hình tài chính, khả năng thanh toán để ra quyết định cho vay cũng như mức lãi vay phù hợp với từng khách hàng.Với cho vay tiêu dùng đây cũng được xem là thước đo mức độ phát triển của lĩnh vực.
Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho biết, xét về tổng thể, khi điểm tín dụng cao, đồng nghĩa cá nhân luôn thanh toán các khoản nợ đúng hạn, có giao dịch tài chính tích cực, hiểu biết tốt về tiêu dùng cá nhân. Khi đó, mức độ rủi ro khi cho vay của các tổ chức tín dụng, công ty tài chính giảm thiểu, qua đó, giúp giảm lãi suất khi có khoản vay tiêu dùng mới.
"Việc giữ cho hồ sơ tài chính đẹp, lịch sử tín dụng tốt rất quan trọng với người tiêu dùng vì mỗi vết đen tín dụng trong hiện tại sẽ ảnh hưởng đến tương lai ngay cả khi khách hàng đã thanh toán hết nợ xấu", ông Hiếu cho biết.
Tín dụng cá nhân vốn là chuyện riêng của từng người nhưng gián tiếp phản ánh thực trạng của lĩnh vực cho vay tiêu dùng. Việc cải thiện hồ sơ tài chính của từng cá thể riêng lẻ còn giảm thiểu rủi ro khi cho vay và nâng cao sự bền vững của cả thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam.
Theo chuyên gia, người tiêu dùng cần nâng cao ý thức cải thiện điểm tín dụng cá nhân, trong đó, việc quan trọng nhất là thanh toán đầy đủ và đúng hạn các khoản vay.
Thanh Thư
Theo Vnexpress
No comments:
Post a Comment